Nhãn

Chủ Nhật, 3 tháng 7, 2022

ĐỌC “NGÀN TIẾNG ĐỜI ẤP Ủ’’ CỦA ĐINH NHO TUẤN

 



THÁI VĂN SINH


             Nếu như năm 2018, khi đã ngoài 50 tuổi, trìnhg làng tuyển thơ đầu tiên “Em hãy cho anh vội”, Đinh Nho Tuấn là một cái tên lạ trong làng thơ thì năm 2022, với “Ngàn tiếng đời ấp ủ” tập thơ thứ tư của anh xuất bản trong 5 năm lại nay, Đinh Nho Tuấn đã là một tên tuổi quen thuộc của bạn yêu thơ cả nước. Thơ anh đã được dùng ra đề trong kỳ thi, được ấp iu trong các thi viện trên mạng xã hội, được đọc trong các hội thơ và được trích dẫn khá nhiều trong các bài luận.

          Có thể nói “Ngàn tiếng đời ấp ủ” là sự tiếp nối mạch nguồn cảm xúc của một hồn thơ được bùng phát ở sau tuổi “tri thiên mệnh”.  Giản dị, chân thành, không lên gân, làm điệu, 78 bài trong “Ngàn tiếng đời ấp ủ” là những lời tâm sự thầm thỉ, đầy tâm trạng trước bao lát cắt của cuộc sống:“Trầm đục trong cuộc đời bươn chải/ Mây thời gian là số phận con người/ Không điểm dừng ơ thờ trôi mải miết/ Chớp mắt thôi, rơi rụng một thời” (Sẽ là không, sẽ không còn gì cả).

          Trong “Ngàn tiếng đời ấp ủ” chúng ta thấy “nhớ” đã trở thành cảm thức chủ đạo của Đinh Nho Tuấn. Nó là những hồi quang quá khứ da diết, khó quên:“Quê hương ta phong phanh nỗi nhớ/ Rơm rạ ngủ vùi, sương khói ngày đông/ Lửa tí tách trong lòng người viễn xứ/ Như củi như than khắc khoải bập bùng” (Mùa đông quê hương); Là nỗi nhớ khắc khoải về người cha: “Tiếng mồ hôi rơi vai người chài lưới/ tiếng lửa reo trong chiều lạnh nhẩn nha/ ông giáo già đọc thơ bên bàn cũ/ âm thanh nào cũng làm con nhớ về Cha” (Tiếng); Là cõi nhớ tình yêu trong trắng một thời: “Từ đỉnh ngàn trăng em kéo qua/ hiền lương năm tháng ấm hồn ta/ hình em giông bão không tỳ vết/ cõi nhớ dựng lên giữa ngày nhoà” (Cõi nhớ).  thậm chí nhớ cả một lời khuyên ý vị tự thuở nào: “Ta bỗng nhớ một tuổi thơ em bảo/ Mai đi xa đừng sống giữa chiêm bao”.

           Ngoài “nhớ”,“Ngàn tiếng đời ấp ủ”của Đinh Nho Tuấn còn “ghi” muôn tiếng nhân sinh. Đó là cảm xúc rất “thiền” về sự ra đi của một nhạc sỹ tài hoa: “Gió quấn người như tã lót/ Miền bất tử người sinh ra”(Bài thơ đưa tiễn); Về sự thực phũ phàng của Covid -19: “Gần hai ngàn đứa trẻ mất cha mất mẹ/ Có bé hai ngày tuổi/ Có bé còn lại một mình/ Những thiên thần búp bê mồ côi” (Búp bê mồ côi); Về phận con người: “Tôi nghĩ những người nông dân/ trên đất nước tôi là những người dùng lại/ mặc dù họ đang đi” (Nông dân). Và cả những triết lý ở đời:“Dòng sông chảy, phận người cũng chảy/ Đem phù sa dào dạt tới tương lai/ Bồi hiến dâng và tình yêu bờ bãi/ Như sao trời vỗ những sáng mai (Những dòng sông).

         Thơ Đinh Nho Tuấn dễ đọc, dễ cảm nhưng không hề dễ giải, càng đọc càng ngấm, càng thấy nhiều tầng vỉa của câu/tứ: “Những chân trời xa/ Bắt đầu từ bậu cửa nhà ta/ Con bay đi/ Tiếng vỗ cánh rơi vào lòng cha mẹ” (À ơi ru những góc trời);  “Dấu chấm hết thực hơn trong sách vở/ Khó tẩy xoá bằng nước mắt từ bi” (Gia cuối cùng); “Không một giọt thu nào sót lại/ Người thèm quay quắt gió heo may”(Hà Nội ngày mặt trời).

              Với “Ngàn tiếng đời ấp ủ” Đinh Nho Tuấn đã thể hiện được tuyên ngôn sống, tuyên ngôn thơ của mình: “Ta sống làm sao khỏi nhạt/ Ừ thì cứ sống thế thôi/ Trước sau không thêm muối ớt/ Xoã ra vui thú với đời” (Ừ thì). Chúc mừng Đinh Nho Tuấn đã không nhạt cả đời, cả thơ. Chúc mừng bạn yêu thơ đã có một tập thơ xứng đáng được yêu, được quý./.

Hà Tĩnh, 21.6.2022 

T.V.S