Nhãn

Thứ Bảy, 18 tháng 4, 2020

GỬI LẠI NHÉ

                                        THÁI VĂN SINH
                                                    Gửi các bạn sinh viên Ký túc xá Mễ Trì khóa sau
Gửi lại nhé, giảng đường xanh mơ ước
Tiếng đời vang náo nức qua phòng
Đường đi học bước chân dài khát vọng
Nghe bác tài gắt gỏng lúc nhờ xe(1)

Gửi lại nhé, tháng ngày vui vẻ
Ký túc rung điệu nhảy ngang tàng
Ban công trắng, xếp hàng dàn nhạc trẻ (2)
Sân Mễ Trì, những mùa bóng say mê

Gửi lại nhé, những vé cơm sắp tới
Khi người đông đứng đợi cuối hàng dài
Và những lần chung mâm cùng bạn gái
Bụng đói meo mà vẫn để cơm thừa (3)

Gửi lại nhé, tình yêu, ngọn lửa
Tim đập dồn, lúc gõ cửa làm quen
Sau những mộng mơ ngọt ngào tình ái
Là thư về “Con nhớ, gửi tiền thêm!” (4)

Gửi lại nhé, vườn hoa Thư viện
Ghế đá mòn, nhớ bao cuộc tình duyên
Và bằng lăng tím những chiều kỷ niệm
Bãi cỏ mềm, ồn ã chuyện hàn huyên(5)

Gửi lại nhé, mái trường ơi thương mến
Giảng đường ươm khát vọng tuổi sinh viên
Ký túc đơn sơ chứa đầy kỷ niệm
Một quãng gửi lại nhé, đừng quên./.

                                            Mễ Trì 12/4/1987
                                                    TVS


Bây giờ có thể khác rất nhiều trước kia nên để hiểu, xin diễn giải vài dòng:(1)Những năm 80 thế kỷ trước, sinh viên Đại học Tổng hợp Hà Nội ở Ký túc xá Mễ Trì phải lên giảng đường ở Thượng Đình để học. Thời bấy giờ rất nghèo, chỉ vài người có xe đạp, còn lại  phải đi bộ hoặc xin đi nhờ xe buýt, tàu điện nên bị tài xế  mắng.(2)Buổi chiều tối thường có các nhóm đánh đàn ghi ta gõ xoong, nồi, ống bơ hát rộn ràng.(3)Bấy giờ sinh viên ăn tập thể bằng vé cơm, góp đủ 6 vé một mâm và phải xếp hàng để nhận. Tôi có biệt tài sửa vé mà Viện trưởng Viên Ngôn ngữ - GSTS. Nguyễn Văn Hiệp, (K27 Văn)  từng kể trên facebook (vé cơm vì lý do gì đó không ăn nhưng bị quá ngày, quá buổi nên phải sửa lại ngày, buổi để ăn chứ không phải là vé giả ). Mỗi khi có khách đến chơi là tôi lại được bạn bè nhờ sửa vé để mời khách ăn cơm.  Trước mỗi giờ cơm là nhà ăn đánh kẻng báo đến giờ cơm. Thời ấy đói đến mức: “Nghe tiếng kẻng lăn vào trong giấc ngủ/ Cơn đói dài theo dọc tuổi sinh viên”.  Đói nhưng khi chung mâm với các bạn gái thường sỹ diện, ăn nhỏ nhẻ để cơm thừa cho lịch sự?!!.(4) Ngày ấy các phương tiện liên lạc chủ yếu là thư. Sinh viên thường viết thư rất mùi mẫm để xin tiền bố mẹ ở dòng tái bút (như chợt nhớ, như không chủ đích nhưng kỳ thực tất cả mục đích của lá thư thường nằm mục này). Thế nên ngày xưa mới có câu: “Con tái bút – Bố mẹ tái mặt”(5)Trước Thư viên tại Ký túc xá Mễ Trì có một vườn hoa nhỏ trồng rất nhiều bằng lăng. Vườn hoa có ghế đá và bãi cỏ dành cho các đôi trai gái và các nhóm bạn bè tâm sự.







XUÂN DIỆU MÀ TÔI TỪNG BIẾT




THÁI VĂN SINH

Có thể nói đã là người Việt Nam yêu thơ thì hầu như ai cũng biết thơ Xuân Diệu, ít ra cũng dăm bảy câu thơ tình. Tôi biết Xuân Diệu và mê thơ ông khi còn là một cậu học sinh lớp 8 qua cuốn “Thi Nhân Việt Nam” của một người bạn thân cho mượn. Vào thập niên 70 của thế kỷ trước, những tác phẩm văn chương tiền chiến ở miền Bắc gần như không có, nhất là ở các tỉnh lẻ. Phải sau “giải phóng”, ở miền Bắc mới có được những tác phẩm văn chương tiền chiến do những người yêu thơ văn mang từ miền Nam ra. Tôi không nhớ rõ nhà xuất bản nào ở Sài Gòn đã in cuốn “Thi Nhân Việt Nam” mà tôi lần đầu được đọc ấy nhưng nhớ rất rõ đó là một cuốn sách được in ty – pô trên một thứ giấy màu vàng dày, quăn queo, sờn góc vì có quá nhiều người đọc. Và tôi cũng chỉ có vỏn vẹn một ngày được quyền sử dụng cuốn sách này. Tôi đã đi vào thế gới thơ mới một cách mộng mỵ với “thơ say” của Vũ Hoàng Chương, “thơ điên” của Hàn Mặc Tử và đặc biệt là thơ tình của Xuân Diệu từ cuốn sách ấy. Có gì tuyệt vời hơn đối với tuổi học trò, tuổi mới lớn, mới biết yêu mà lại gặp được thơ tình Xuân Diệu:

“…Yêu là chết ở trong lòng một ít
Vì mấy khi yêu mà chắc được yêu…”
(Yêu)

 Thời bấy giờ hầu hiết những người mê văn thơ đều có những cuốn sổ thơ chép tay. Tôi đã trốn học và chép hầu hết thơ tình từ cuốn “Thi Nhân Việt Nam” và riêng với Xuân Diệu, tôi chép không sót một bài. Kỳ lạ là thơ Xuân Diệu đã ngấm vào tôi những cảm xúc mà cho đến nay đã 35 năm trôi qua, nhưng thi thoảng, tôi lại gặp những tinh tế của thơ ông ngay giữa cuộc đời trụi trần, gió bụi. Những giây phút hiếm hoi đó thật là thanh khiết, quý giá:

“…Bâng khuâng chân tiếc giẫm lên vàng,
     Tôi sợ đường trăng tiếng dậy vang…”
(Trăng)

Có một điều mà nhiều bạn trẻ hôm nay không biết là trước năm 1980, Xuân Diệu và các nhà thơ lãng mạn Việt Nam cũng như thơ của các ông không được đưa vào giảng dạy ở bậc học phổ thông. Sau 1980, một số nhà thơ và các sáng tác của họ mới có chỗ đứng trong chương trình và sách giáo khoa phổ thông. Và với Xuân Diệu, lúc này cũng chỉ có duy nhất bài thơ "Ngói mới" được đưa vào giảng 1 tiết ở lớp 12. Chỉ từ thập kỷ 90 của thế kỷ trước lại nay, học sinh mới được học nhiều hơn về Xuân Diệu, học tới 5 tiết ở lớp 11, trong 5 tiết đó có bài văn học sử về tác gia Xuân Diệu 2 tiết, giảng văn ba bài thơ của ông là các bài "Thơ duyên", "Đây mùa thu tới" và bài "Vội vàng" mỗi bài 1 tiết. Chính vì vậy, mặc dù biết thơ Xuân Diệu lần đầu qua “Thi Nhân Việt Nam” là vào năm lớp 8, nhưng phải đến năm lớp 12 tôi mới biết về ông qua một câu chuyện có thật mà nghe như giai thoại do thầy giáo Lê Thái Phong(1) kể trong giờ giảng bài “Ngói mới”. Thầy tôi kể rằng năm 1972, khi đang dạy ở cấp III Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh một hôm thầy được Phòng Văn hóa huyện mời nghe Xuân Diệu đọc thơ nhân chuyến về thăm quê nội. Biết Xuân Diệu về đọc thơ, đêm ấy người đến rất đông, chật cứng cả hội trường. Thời chiến tranh, điện chưa có, chỉ có cái đèn măng - sông nên nhiều người vì hiều kỳ, ồn ào chen lấn để nhìn cho rõ “dung nhan Xuân Diệu”. Quá bực mình khi nghĩ người ta đến “xem mặt” Xuân Diệu chứ không phải là “nghe thơ Xuân Diệu” ông đã nhảy lên đứng trên chiếc bàn chủ tọa, tay cầm cái đèn măng - sông soi vào mặt mình và nói lớn: “Cái mặt Xuân Diệu đây, ai thích nhìn Xuân Diệu thì nhìn cho kỹ rồi về, ai thích nghe thơ Xuân Diệu thì ở lại”. Cả hội trường sau đó im phăng phắc say mê nghe thơ Xuân Diệu. Chuyện này cho tôi biết một điều, tôn trọng, ngưỡng mộ một nhà thơ, là tôn trọng, ngưỡng mộ tác phẩm của họ chứ không phải là chính họ, nhất là cái diện mạo bên ngoài.
Mê Xuân Diệu nhưng phải đến tháng 10 năm 1982 tôi mới có dịp diện kiến ông, lúc đó, tôi mới vào năm thứ nhất Đại học Tổng hợp Hà Nội. Hôm đó Khoa Ngữ Văn mời nhà thơ nói chuyện thơ cho sinh viên năm thứ nhất tại giảng đường trước nhà C1, Ký túc xá Mễ Trì. Dù không học ở Khoa Ngữ Văn, nhưng tôi đã bỏ cả buổi học để tìm cách vào cho được giảng đường này để nghe Xuân Diệu nói chuyện thơ. Nhìn thấy nhà thơ lần đầu, tôi như người bị hút hồn, một khuôn mặt đẹp, mắt sáng, tóc bồng bềnh, một chất giọng truyền cảm. Tôi say mê nghe ông đọc thơ tình của ông. Tuy nhiên có một điều mà đến bây giờ tôi vẫn không thể lý giải được là tại sao trong buổi nói chuyện say sưa về thơ tình như vậy, mà một nhà thơ lớn như Xuân Diệu bỗng nói rất to một câu lạc lõng: “Các bạn sinh viên ơi, hãy yêu nhau đi nhưng đừng có đẻ!”. Phải chăng cái thời “thống đốc đi đặt vòng” thì nhà thơ cũng phải “đặt vòng” cho thơ?
Sau lần ấy, tôi vẫn thường ngẩn ngơ qua lại 24 Cột Cờ để mong gặp ông mà chẳng có cơ hội nào. Anh Trần Đình Hà học khóa trên bảo tôi, muốn gặp Xuân Diệu thì ra quán thịt chó vì ông rất mê thịt chó và kể cho tôi một câu chuyện rất khôi hài về ông. Chuyện là một lần Xuân Diệu đi chợ Hàng Da mua thịt chó thì gặp bà hàng rau đang cãi nhau ầm ĩ với cô mậu dịch thu vé chợ. Thời bao cấp, cán bộ mậu dịch rất hách dịch, thấy tội cho bà hàng rau bằng tuổi mẹ mình nhưng vẫn cứ bị cô mậu dịch chửi bới té tát, Xuân Diệu tay xách bịch thịt chó, dẹp đám đông vào can ngăn. Ông  quát cô mậu dịch: “Người ta bằng tuổi mẹ cô mà cô quá đáng thế”. Cô mậu dịch liếc thấy ông với bịch thịt chó thì tưởng ông là dân nghiện rượu nên không chấp, nói ông là ai mà dám vào đây can thiệp. Bấy giờ Xuân Diệu nổi khùng lên, vứt bịch thịt chó xuống đất, quát: “Tôi là nhà thơ Xuân Diệu đây, cô không biết à”. Cô mậu dịch nguýt xéo Xuân Diệu với giọng đanh đá: "Nhà thơ là cái thá gì, nhà báo tôi chẳng sợ nữa là nhà thơ. Ông biến đi cho tôi nhờ!”. Nghe nói lúc đó Xuân Diệu khựng lại, chết đứng như Từ Hải, rồi sau đó gầm lên chửi độc, lao vào cô mậu dịch định đánh. May mà mọi người can ngăn nên không xảy ra xô xát. Cái lạ là dù tức dận hầm hầm bỏ đi nhưng ông vẫn không quên nhặt bịch thịt chó. Giai thoại này thực hư thế nào không rõ nhưng nó cho ta thấy Xuân Diệu mê thịt chó đến mức nào. 
Cơ duyên chỉ cho tôi nhìn thấy Xuân Diệu vài ba lần sau đó ở các cuộc nói chuyện thơ ở Hà Nội nhưng chưa một lần được nói chuyện trực tiếp với ông. Thế rồi đến nửa kỳ 1 năm thứ 4 đại học, vào ngày 18 tháng 12 năm 1985, một ngày đông buốt giá, chúng tôi được tin ông mất. Tuy vậy phải chờ đến 4 ngày đám tang của ông mới được cử hành vì hai lý do. Lý do thứ nhất là phải chờ người bạn thơ chí cốt là nhà thơ Huy Cận lúc đó đang đi công tác ở Châu Phi về; Lý do thứ hai là phải xem mộ nhà thơ sẽ được chôn cất ở đâu Văn Điển hay Mai Dịch. Vậy nhưng rồi Huy Cận cũng không về kịp tang bạn. Và rồi phần mộ ông cũng được mai táng tại ngĩa trang Mai Dịch. Trời lạnh buốt giá thấu xương nhưng đám tang nhà thơ đông chưa từng có, đủ các thành phần xã hội từ bà hàng nước cho đến các học giả đáng kính và nhiều nhất là đám học sinh, sinh viên chúng tôi. Gần như hầu hết sinh viên ở Ký túc xá Mễ Trì đều đi đưa tiễn ông. Xe tang ông chất đầy hoa trắng tiến dọc phố Trần Hưng Đạo, sau xe, đi cạnh quan tài có một thiếu phụ chít khăn trắng theo kiểu để tang chồng. Tôi hỏi một anh khóa trên cùng đi rằng Xuân Diệu không có vợ sao lại có thiếu phụ như vợ đi đưa tang chồng. Anh ấy trả lời, đó là nữ đạo diễn Bạch Diệp, vợ cũ của Xuân Diệu. Mãi sau này vào tháng 8 năm 2013, khi nữ đạo diễn Bạch Diệp mất tôi mới biết thêm nhiều điều qua báo chí về mối tình đau khổ của hai người.
Trên 30 năm "Ông hoàng thi ca" của Thơ Mới, "Vua thơ tình" Xuân Diệu đã ra đi nhưng cái “ngai thơ”của ông vẫn mãi ngự trị trong lòng người yêu thơ, trong đó có tôi - một người có cái may mắn được vài ba lần diện kiến ông từ xa./.

Viết nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh Xuân Diệu.
Hà Tĩnh, 28/12/2015
T.V.S

 (1) Nhà giáo Ưu tú, dạy chuyên văn Trường cấp III Năng khiếu Phan Bội Châu – tỉnh Nghệ Tĩnh.






Thứ Sáu, 17 tháng 4, 2020

THANH SƠN, TÔI HẸN NGƯỜI LÊN


THÁI VĂN SINH 



                                   Khi ta ở chỉ là nơi đất ở
                                           Khi ta đi, đất đã hóa tâm hồn
                                                                   Chế Lan Viên

Tôi sẽ hát bài ca dã biệt
Đất Thanh Sơn lắm suối, nhiều đèo*
Với nỗi niềm thương mến khôn nguôi
Gửi lại đất, mảnh hồn tôi chân thật

Thanh Sơn ơi nơi xa tôi sẽ nhớ
Những dốc, đèo vất vả bước chân ai
Những suối trong cho ngọc ngà cô gái
Những đồi chè ai dầu dãi nắng mưa

Tôi sẽ nhớ rất nhiều con đường
Thương mến giọi bước chân tôi trở lại
Để câu hát bên lòng ngân mãi
Thương nhau mấy núi cũng trèo

Ơi bầu trời Trung du trong veo
Tôi gửi lại mảnh trăng hò hẹn
Để nơi dây thêm một lần tôi đến
Thêm một lần tôi đến để chia ly

Thanh Sơn, tôi hẹn người lên./.

Thanh Sơn, Vĩnh Phú 6 - 1985
TVS

---------------------------------------------------------------------------------------------------------
  
      * Tháng 5-1985, lớp Triết K27 Đại học Tổng hợp Hà Nội đi thực tập tại Nông trường chè Thanh Sơn, Vĩnh Phú. Chỉ cách Hà Nội khoảng 100km nhưng nơi đây heo hút, lạc hậu đến khó tưởng tượng. Nông trường khoảng gần 600 công nhân thì có đến 99%  là công nhân nữ, dân bản địa thưa thớt, chủ yếu là người Mường, Thái. Người ta từng điều cả Trung đoàn bộ dội đến đây để giải quyết "sự bất cân bằng sinh thái" nhưng không hữu hiệu. Tôi có đã có khá nhiều kỷ niệm thú vị ở vùng đất này nhưng cho đến nay đã 35 vẫn chưa thể quay lại dù  đã hứa trong bài thơ này, đọc trong đêm văn nghệ chia tay với Nông trường tối 19/6/1985. Các đồng môn xem, ta hẹn nhau một dịp nào đó về đây tìm lại kỷ niệm xưa.

“GIỌT NẮNG VÔ THƯỜNG” MỘT ÁNG THƠ “THIỀN” TUYỆT ĐẸP

                                                                        
                 
                        THÁI VĂN SINH

        Khi cầm tập thơ Giọt nắng vô thường của Trần Huyền Tâm trên tay, không hiểu sao ngay lập tức tôi liên tưởng đến “tia nắng mặt trời” trong bài thơ “Và bây giờ là buổi tối” của nhà thơ Ý Salvatore Quasimodo, người đã đoạt giải Nobel Văn học năm 1959:

Mọi người cô đơn trong trái tim trái đất,
Bị xuyên qua bởi tia nắng mặt trời
Và bỗng nhiên bây giờ là buổi tối.
 (Hoàng Nguyên Chương dịch)

     “Và bây giờ là buổi tối” nói lên một triết lý cuộc đời rằng: mỗi con người từ khi sinh ra đã là duy nhất, là trung tâm của vũ trụ; đều đã từng có hoài bão, ước mơ sáng chói như một tia nắng mặt trời, nhưng rủi thay cuộc đời quá ngắn ngủi, chưa chi nắng đã tắt, chiều đã buông, thật là tiếc nuối.

      Tuy nhiên khi đọc hết hơn một trăm bài thơ trong “Giọt nắng vô thường” thì cảm nhận của tôi lại không hẳn như vậy mà là một áng thơ “THIỀN” tuyệt đẹp từ cảm xúc, tư duy cho đến bút pháp.

     Theo “Phật Quang Đại Từ điển” thì Thiền là sự kết hợp giữa thân thể và ý niệm trong thời gian, không gian hiện tại để nhận biết sự vật, hiện tượng và ý niệm. Thiền là tĩnh tâm, gạt bỏ mọi tạp niệm để nhận thức bản ngã và thế giới xung quanh một cách đúng đắn, sáng suốt nhất. Và có thể nói toàn bộ hơn một trăm bài thơ trong Giọt nắng vô thường phản ánh một quá trình THIỀN để ngộ thoát khỏi “Bến Mê”, để về “Bến Giác” trong cõi tạm của đời người:

Tôi thấy tôi trong quán trọ trần gian
Giá áo, túi cơm, quay cuồng, chật vật
Khi chén rượu nồng, cà phê phiêu ngất
Danh, lợi, tiền, tài, hỉ, nộ, sân, si

Và:

Chợt thấy mình thanh tỉnh cơn mê
Thảnh thơi bay giữa biển trời cao rộng
Tôi hòa vào ngàn mây, gió lộng
Hóa thành mưa xóa sạch mọi ưu phiền

Để rồi:

Tâm bừng lên một khối sáng tịnh nguyên
Từ sợi tóc của Đại sư Đại pháp
Tôi hóa thân thành nắng vàng ấm áp
Đi khắp đó đây đánh thức những thệ nguyền
(Tôi thấy)



        “Giọt nắng vô thường” của Trần Huyền Tâm tuyển chọn những bài thơ viết trong thời gian khá dài, khoảng trên 30 năm, từ những ngày còn trẻ cho đến hiện tại.  Và điều dễ nhận thấy, cái tinh thần, nội tâm sâu thẳm toát lên từ thơ Trần Huyền Tâm là luôn hướng đến cái dịu dàng, thuần khiết, nguyên sơ, thanh tĩnh. Khi nhìn ngắm thiên nhiên, khi chiêm nghiệm cuộc sống, khi nhớ nhung kỷ niệm, tháng ngày xưa cũ… đều là hướng về những điều cốt lõi đó. Chất Thiền dường như là một “bản tính tiên nghiêm”, ngấm vào người và vào thơ Trần Huyền Tâm, làm nên một giọng điệu thơ mộc mạc, giản dị, trong sáng đến thật thà. Chính vì thế, trong lời tựa đầu sách, nhà thơ Kim Chuông đã nhận xét: “Thơ Tâm không bụi bặm vỉa hè. Không phá phách, cuồng say. Không bi lụy, trái ngang, trụi trần, bi kịch… Thơ trong lành dịu mát, Thơ vươn tới một vẻ đẹp cao sang, thánh thiện”. Với “Giọt nắng vô thường”, Trần Huyền Tâm đã chọn cho mình làm một người bạn chân tình, dung dị giữa đời thường, dễ gần, dễ mến với độc giả hơn là chọn làm một “nghệ sỹ của ngôn từ” với những câu chữ sang chảnh thời thượng. Và đó cũng chính là sự ngộ sâu sắc về chữ Chân, gốc của cái Đẹp, để Tâm có những câu thơ như được vớt lên từ nguyên sơ cuộc sống:

Con sinh ra
Đêm tháng Tám rực trời
Gầu nước mát
Lao xao vầng trăng khuyết
Nhà mình nghèo
Mái tranh mòn vách liếp
Mảnh mo cau quạt không hết mồ hôi
(Bài ca đất)

Hay:

Vợ với chồng cũng đôi tình nhân sao
Cũng liêu xiêu điệu khèn bên dốc
Cũng say say câu hát tình đơn độc
Cũng âu lo xếp lại cất trong gùi
(Đêm chợ tình Sapa)

        Nói cách khác làm thơ đối với Trần Huyền Tâm là một quá trình gạn lọc bấy nhiêu sự xô bồ, ồn ã của cuộc sống đời thường để tìm ra những thứ “tinh chất” cần giữ lại, để duy trì song hành một cái “tâm rất tĩnh” bên dòng đời mải miết, cuồn cuộn chảy trôi về phía trước. Diễn giải điều này ra e hơi kiểu cách, nhưng sự thực là có sự song hành đó trong thơ Trần Huyền Tâm. Người đọc sẽ được cảm nhận rất rõ dòng chảy âm thầm, lắng đọng và dịu êm ngược về phía cội nguồn trong trẻo của bản thể trong thơ Trần Huyền Tâm. Cũng vì lẽ đó, trong Giọt nắng vô thường, thiên nhiên dường như được Trần Huyền Tâm ưu ái nhất. Lấy thiên nhiên là điểm tựa cho tâm thái của chính mình, Trần Huyền Tâm ngộ ra những triết lý có tính vũ trụ quan:

Tôi đi tìm mặt trời
Vầng mây tía đưa tôi lên đỉnh núi
Phía bên kia buổi chiều là đêm tối
Hoàng hôn rụng vỡ triền đê…
…Mặt trời trên cao, mặt trời trong tôi
Những vũ trụ trong veo, tụ về thêm bầu bạn
Giấc mơ tiên chẳng bao giờ biết cạn
Triệu triệu mặt trời mãi vằng vặc sáng soi
(Tôi đi tìm mặt trời)

Hay:

Và biển xanh khát vọng
Lại ôm trọn bầu trời
Dù khoảng cách xa vời
Trời vẫn trong lòng biển
 (Tình  yêu)
 
         Cái vô thường thiền định trong thơ Trần Huyền Tâm còn được thể hiện rất đậm đặc trong yếu tố thời gian. Giọt nắng vô thường có cả 4 mùa và 12 tháng. Số lượng các bài thơ về mùa, về tháng chiếm gần 1/3 số bài trong tập thơ. Và mỗi mùa, mỗi tháng đều có một gam sắc thời gian đặc sắc qua con mắt thơ Huyền Tâm.
     
Mùa Xuân:

Xanh chẳng thể xanh hơn
Vàng óng vàng mật nắng
Xám không còn trống vắng
Đỏ thắm duyên gọi mời
(Kìa xuân đang tới)

Mùa Thu:

Em đi qua một khoảng trời ngâu
Chớp nhì nhằng, ướt nhòa vầng mây bạc
Thương cái gió bên lối mòn ngơ ngác
Nắng không về khơi màu áo em phơi
(Tâm tình với mùa thu)
         
Mùa Hạ:

Hạ ngập ngừng như chưa vội bước sang
Như chưa muốn chứng lời xuân bái biệt
Khúc ly tao đã bao ngày da diết
Nay bần thần mùa lần lữa chuyển giao
(Khúc giao mùa)

Mùa Đông:

Chuốt nồng nàn ươm óng ả long lanh
Nắng mê mải nghiêng chiều vào rực rỡ
Tím đến tự nơi nào không biết nữa
Cứ mơ màng giăng dịu ngọt lời đêm
(Biển tím chiều cuối đông)

 Trần Huyền Tâm (giữa) với bạn bè trong  buổi lễ ra mắt tác phẩm -Thái Bình tháng 8/2018


        Và thời gian trong Giọt nắng vô thường là sự đong đếm của một cuộc hành trình tìm về nguồn cội, hành trình giải thoát khỏi sự mê lạc của con người ở chốn đời thường để ngộ ra những chân lý giản đơn mà không phải ai cũng hiểu:

Bao năm, bao kiếp, bao đời
Quẩn quanh lưu lạc, luân hồi bể dâu
Duyên tình trao gửi nơi nhau
Cũng là vay trước, trả sau thôi mà
(Nói với người xưa)

Để rồi:

Đặt tâm xuống, ngả u mê sẽ tắt
Nắng vô vi và mưa gió vô vi
Bao ưu phiền tan theo cánh thiên di
Chân - Thiện - Nhẫn đón đưa về Bờ Giác
(Viết cho không chỉ riêng mình)

       Thơ Trần Huyền Tâm thường là những hồi ức tâm tưởng, hành trình thơ chị là hành trình mải miết trở về, trở về với không gian cũ, những hình bóng thân yêu nhất, trở về với những thuần tịnh, đẹp đẽ của quá trình phản bổn quy chân. Đi là để trở về. Người đọc cảm nhận hành trình đó được xác lập khá rõ ràng trong “Giọt nắng vô thường”, một tiêu đề đầy tính cảm nghiệm. Thấy rõ Trần Huyền Tâm đang tìm tòi, rồi chia sẻ, giãi bày thể ngộ của mình về những câu hỏi lớn của đời người: Ta là ai? Ta từ đâu đến? Mục đích của cuộc nhân sinh là gì?...

      Làm thơ là một cuộc hành trình vất vả tìm đến những tâm hồn đồng điệu. Với “Giọt nắng vô thường”, Trần Huyền Tâm đã chạm được vào mỗi chúng ta một sự giác ngộ về cuộc đời với tam tự kim: CHÂN - THIỆN - NHẪN như là chìa khóa mở ra cánh cửa đi đến TƯƠNG LAI.

      Xin chúc mừng độc giả có một áng thơ Thiền để chiêm nghiệm cuộc đời!

      Xin chúc mừng Trần Huyền Tâm đã có nơi chốn đẹp đẽ để gửi gắm tâm tình thánh thiện của mình đến với mọi người, để “gửi hương cho gió” ngát thơm những đạo lý của Phật gia vốn đang rất cần cho cuộc sống hôm nay bay xa!

                                               Mùa Vu Lan Mậu Tuất 2018
                                                               TVS


ĐỨC BAN, NGƯỜI TỬ TẾ




THÁI VĂN  SINH

          Đức Ban là một tên tuổi trong làng văn Xứ Nghệ nhưng do xa nhà từ rất sớm, nên phải đến những năm đầu tái lập tỉnh, tôi mới có dịp diện kiến anh. Lần đó từ Huế về, tôi được cậu bạn Chu Vĩnh Hải mời tham dự một đêm thơ do Hội nhà báo phối hợp với Đài PTTH Hà Tĩnh tổ chức vào ngày 17-6-1992 để chào mừng Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam. Trong thời gian rỗi của đêm thơ, cậu bạn kéo tôi lại gặp một người gầy, nhỏ, nét mặt nghiêm khắc và giới thiệu:“Đây là nhà văn Đức Ban, Phó Chủ tịch Hội Văn học, Nghệ thuật, tác giả của “Nơi có chuyện cổ tích”, “Những lỗi lầm đã qua”, “Những tiếng chim” mà cậu với tớ từng đọc thời sinh viên. Còn đây là bạn học của em, đang đi dạy ở Huế. Anh cười, bắt tay tôi, khen bài thơ thơ tôi đọc có tứ rồi theo các cuộc xã giao khác. Mãi đến hè năm 1993, tôi gặp anh lần thứ hai khi ra Hội tìm mua cuốn Tạp chí Hồng Lĩnh đăng bài của nhà văn Xuân Thiều viết về Đại hội Hội văn nghệ đầu tiên của Hà Tĩnh tổ chức tại Đức Thọ, vì trong đó có một số tư liệu quý về bố tôi. Khác với lần trước, anh ân cần mời tôi uống nước, nhiệt tình giao cho cô Hà văn thư đi tìm tạp chí và trò chuyện khá lâu. Anh chia buồn với gia đình tôi vì sự ra đi quá sớm của bố tôi. Tôi thực sự cảm động và những ấn tượng xa lạ trong lần gặp đầu tiên chợt tan biến. Rồi như một duyên nợ, tôi chuyển công tác về Hà Tĩnh, làm ở hàng loạt cơ quan và cuối cùng lại trở thành cán bộ của anh khi anh làm Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin. Và cũng từ đó tôi cảm nhận anh rất nhiều, từ khía cạnh công việc cho đến đời thường.
Về văn chương của anh, tôi là người ngoại đạo nên không có được sự nhìn nhận thấu đáo như các nhà lý luận văn học, nhưng với tư cách là một độc giả, tôi cảm nhận bằng chính cảm quan của mình. Đó là văn anh luôn trăn trở về thân phận con người, đặc biệt là những thân phận kém may mắn, những sự “lệch chuẩn” trong cuộc sống. Đọc anh, lòng trắc ẩn của độc giả như được thức tỉnh để muốn sống nhân văn hơn, yêu gét rõ ràng hơn. Văn anh viết giản dị, câu chữ khiêm tốn mà có sức nặng. Anh thường viết câu đơn, ngắn gọn nên sự diễn đạt rất khúc chiết, ngay ngắn như chính con người anh. Và một điều rất đáng nói là cuộc đời anh có một nỗi đau rất lớn, nhưng trong văn chương của anh không mảy may hằn học về nó, dù là một chút thoảng qua. Nó thể hiện một bản lĩnh, một tâm thức rất đáng trân trọng. Điều này rất khác với khá nhiều cây viết đương đại mà tôi từng biết. Năm 2016, cụm tác phẩm: Trăng vỡ (Tiểu thuyết) và Đêm thức (Tập truyện ngắn) của anh được nhận Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật. Điều đó thuyết phục hơn những gì tôi viết và những người khác viết về văn chương của anh.
Người đời biết khá nhiều về nhà văn Đức Ban nhưng có lẽ vẫn ít biết về một Phạn Đức Ban với tư cách là một Chủ tịch Hội Văn nghệ, một Giám đốc Sở. Ở góc độ này, phải nói rằng anh thể hiện rất hài hòa giữa lòng trắc ẩn của một nhà văn với sự nghiêm túc của một người làm lãnh đạo, cái mà người đời hay nói là Tình và Lý. Anh nhìn người, nhìn việc rất tinh tường và rất trọng dụng người tài, người làm được việc. Ở Hội Văn nghệ, một lớp các các cây viết tài năng được anh phát hiện, bồi dưỡng, thu hút, nâng đỡ, và họ đã phát triển rất tốt như: Trung Hiếu, Ngọc Phú, Nguyễn Thị Phước, Như Bình, Ngọc Thịnh…Về Sở Văn hóa - Thông tin, tuy thời gian không dài, nhưng anh cũng đã tạo dựng được một đội ngũ cán bộ, chuyên viên chững chạc. Là người làm văn nghệ, nhưng khi sang làm quản lý nhà nước anh nhập cuộc được ngay, điều hành mọi chuyện như một người đã làm công việc này từ lâu, không hề có sự hụt hẫng. Rất quần chúng, anh thường đến các phòng làm việc của anh em để gần gũi, để cảm nhận những điều mà không mấy khi người ta giám nói thẳng với thủ trưởng. Ngày ấy, văn phòng sở còn rất khó khăn, chỉ có Ban Giám đốc mới có máy điều hòa nhiệt độ. Sau nhiều lần xuống phòng làm việc của anh em, chứng kiến cảnh mọi người làm việc trong cái nóng hầm hập, toát mồ hôi, anh chủ trương lắp hết điều hòa cho các phòng. Bộ phận hành chính cho rằng không có chế độ, anh nói ngắn gọn mà sâu sắc: Tạo cho mọi người một môi trường làm việc bình đẳng, dễ chịu thì năng suất làm việc mới cao. Chế độ là để phục vụ công việc. Chế độ chưa đúng ta có quyền điều chỉnh. Thế là điều hòa được lắp, thế là anh em hứng khởi tập trung giải quyết công việc, không lang thang “trốn nóng” như trước, kết quả "năng suất lao động" của cơ quan bất ngờ tăng vọt. Cái yếu tố “bình đẳng, dễ chịu” mà anh nói tiếp tục được thể hiện ở rất nhiều góc độ khác và được duy trì cho đến lúc anh về hưu.
Đức Ban còn có một cái lệ rất khác người mà có lẽ chỉ có các nhà văn mới làm được, đó là phòng làm việc của anh khi nào cũng có rượu ngon, trà ngon và việc vào ra của nhân viên ở phòng thủ trưởng rất thoải mái, tự nhiên, không khép nép, dè dặt như ta thường thấy. Dạo đó, cứ cuối chiều, hết giờ là anh gọi em trong cơ quan đến phòng làm việc của mình nhâm nhi rượu, trà, trò chuyện. Nhìn ngoài thì có vẻ là một cuộc thưởng lãm không được “phải đạo” lắm trong mắt một số người, nhưng thực sự đó lại là những cuộc “giao ban cơ quan” hiệu quả nhất mà tôi từng được tham gia. Rất nhiều công việc được anh em trao đổi, giải quyết nhẹ nhàng trong các cuộc trà, rượu đó, vì chỉ trong một không khí rất thân tình cởi mở, thậm chí rất “bạn bè” mọi chuyện mới được giải quyết hiệu quả, thấu cả tình và lý, tránh được những ứng xử “hành chính” khô lạnh mà ta thường gặp ở các cuộc họp. Thời ấy không có văn phòng điện tử như bây giờ để theo dõi công việc. Qua các cuộc “giao ban” đặc biệt này mà thường ngày anh có được một kênh thông tin tổng quan về tiến độ công việc của các phòng, giải quyết ngay được những vướng mắc trong ngày, và hơn thế, biết được nhiều thông tin về gia đình của nhân viên để cảm thông, chia sẻ. Cũng chính vì vậy sau khi về hưu, nhà anh vẫn luôn là nơi hội tụ của nhân viên cũ và bạn bè. Họ đến anh để tâm sự, để tìm một lời giải khi gặp những chuyện khó xử trong cơ quan, trong quan hệ. Chính thế mà có người từng nhại lời một bài hát rằng: “Khi nào tôi đau khổ, tôi tìm đến Đức Ban”. Đây là một điều khá hiếm hoi với các lãnh đạo sau khi về hưu. Thế mới biết cái tạo nên giá trị đích thực của cuộc sống không hoàn toàn nằm ở những thành công trong sự nghiệp, tiền tài mà chính là sự thấu cảm ở đời.
Mặc dù rất bận bịu trong công tác quản lý và sáng tác nhưng Đức Ban vẫn dành được thời gian cho hoạt động nghiên cứu khoa học. Khi ở Hội Văn nghệ, anh đã là chủ nhiệm đề tài nghiên cứu về văn, thơ Hà Tĩnh. Đề tài đã đặt một nền tảng quan trọng về lý luận văn học địa phương. Khi về sở, anh bắt tay ngay vào chủ nhiệm hai công trình quan trọng: Nghiên cứu, định hướng bảo tồn và phát huy giá trị hệ thống di tích lịch sử văn hóa Hà Tĩnh và Tổng điều tra di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn Hà Tĩnh. Những công trình này đã tạo nên một bộ cơ sở dữ liệu quý phục vụ cho công tác quản lý nhà nước cũng như việc tra cứu về địa phương học. Bên cạnh đó anh cũng quan tâm tổ chức biên soạn, xuất bản, tái bản nhiều công trình giá trị như: Văn bia Hà Tĩnh, Làng cổ Hà Tĩnh (hai tập), Lễ hội dân gian Hà Tĩnh, Chí sỹ Ngô Đức Kế.., tổ chức nhiều hội thảo khoa học về các danh nhân. Những công trình này góp phần tạo nên một khuôn hình đẩy đủ về văn hóa quá khứ của Hà Tĩnh, cái mà nếu để lâu sẽ bị mất mát, mai một. Và cũng chính vì rất tâm huyết với văn hóa Hà Tĩnh nên anh rất trân quý những nhà địa phương học. Khi đương chức, dù bận thế nào, hàng tháng anh vẫn dành thời gian đến tận nhà gặp gỡ, thăm hỏi các nhà nghiên cứu Thái Kim Đỉnh, Võ Hồng Huy, Lê Trần Sửu… Khi về hưu, có thời gian hơn, anh thường xuyên đến ngồi hằng giờ tâm sự với các cụ, để đau đáu những nỗi niềm về văn hóa Hà Tĩnh. Điều này tôi rất nể phục, vì thực sự hiếm có những người làm văn hóa nói chung, chứ chưa nói đến là lãnh đạo văn hóa mà duy trì được một sự quan tâm rất thực lòng như vậy. Với riêng tôi, tôi vẫn thường tự xấu hổ vì vẫn thiếu cái nghĩa cử chân tình như anh với các cụ. Và anh cũng đã từng thể hiện rất rõ tâm thế đó trong lời hứa trước cử tri khi anh ứng cử Hội đồng nhân dân tỉnh ở một huyện vùng núi: “Tôi sẽ cố gắng làm NGƯỜI TỬ TẾ”. Câu nói này từng gây ra những cơn bão dư luận nhiều chiều thời bấy giờ. Rõ ràng làm người tử tế đâu phải dễ. Không cần gì đao to, búa lớn, chỉ cần làm NGƯỜI TỬ TẾ thôi là chúng ta có thể làm được bao nhiêu việc có ích cho nhân dân, cho sự phát triển của xã hội và cho chính chúng ta.
Những nhát cắt về anh ở trên có thể làm cho nhiều người tưởng anh dễ dãi, dễ hòa đồng, nhưng thực sự anh lại rất khắt khe trong nhìn người, nhìn việc. Anh cẩn trọng trong giao tiếp, tỷ mỹ trong công việc như trăn trở từng câu chữ, từng dấu chấm phẩy trên trang văn của mình. Chính vì vậy mà anh sẵn sàng nói thẳng, nói thực, thậm chí với một thái độ giận giữ, nặng nề mà không sợ mất lòng. Anh cũng sẵn sàng uống rượu hết mình với bạn bè từ quán cóc đến nhà hàng sang trọng. Nhưng với nhiều người, nhiều việc anh lại rất xã giao, chừng mực, thậm chí là định kiến. Tôi là người nhiều lần bị anh chỉ trích, phê bình thẳng thừng đến mức khó chịu nhưng tôi rất hiểu và càng quý mến anh hơn. Có lẽ vì thế mà có người đã ví anh là “con sâu róm”. Nhưng cái bất ngờ ở đây là có quá nhiều người vẫn không chịu tránh xa cái “con sâu róm” khó chơi đó, vẫn thường xuyên đến với anh, dù khi đang đương chức hay khi đã về hưu. Và tôi biết, khi đọc được bài này của tôi, có thể anh lại mắng cho tôi mật trận ra trò. Nhưng cảm nhận về anh, một NGƯỜI TỬ TẾ, đó là quyền của tôi./.
T.V.S
Hà Tĩnh 2017