Nhãn

Thứ Ba, 14 tháng 4, 2020

THẰNG HÂM




                                                                      Truyện ngắn của THÁI VĂN SINH

Lần đầu tiên Thiện bị gọi là hâm khi hắn học năm thứ nhất đại học. Lần ấy hắn không làm được bài thi hết môn môn Đạo đức học. Thấy hắn ngồi đực ra, bạn bè chép bài ném sang cho hắn, thế mà hắn chẳng thèm nhìn, tự đánh vật với đề bài. Hết giờ thi, hắn nhận được câu chửi: “Thằng hâm!”. Từ đó biệt danh Thiện hâm tiên sinh đeo đẳng suốt quảng đời sinh viên của hắn.
- Thằng hâm! Đi xe buýt mà không biết trốn vé! (1)
- ĐSVN là viết tắt “đời sinh viên nghèo”. Ngành đường sắt người ta đã thông cảm ghi vào các toa tàu như vậy rồi mà mày vẫn mua vé cho phí tiền. Rõ hâm! (2)
- Mẹ kiếp! Thằng này hâm tỷ độ. Chủ quán người ta đã quên nợ từ lâu mà mày còn nhắc để trả. Người ta gọi mày là Thiện hâm tiên sinh chẳng ngoa tý nào…
Ra trường, hắn được phân công về một viện nghiên cứu ngay tại Thủ đô. Thế nhưng hắn đã nhường diễm phúc ấy cho bạn bè để về xứ Nghệ khắc nghiệt, đói nghèo - quê hương của hắn.
- Tạm biệt Thiện hâm tiên sinh! Bạn bè thân quen trìu mến chào tiễn biệt.
Về quê, hắn cứ tưởng biệt danh Thiện hâm rồi sẽ đi vào quên lãng cùng với quãng đời sinh viên láu cá, vui nhộn. Nào ngờ cái biệt danh ấy lại vẫn cứ đeo đẳng hắn như một định mệnh. Ngay những ngày đầu mới về cơ quan, mỗi lần thấy hắn xuống xe từ ngoài cổng, từ tốn dắt bộ vào nơi làm việc, mấy cô gái trẻ đấm lưng nhau cười:
- Cả cơ quan chẳng ai làm thế. Cái biển “Tắt máy - Xuống xe” chỉ dành cho khách. Anh chàng này đẹp trai, sáng sủa thế mà hâm.
Qua bao trải nghiệm, hắn đã chấp nhận biệt danh Thiện hâm như một sự tất yếu từ cội nguồn. Bạn bè, đồng nghiệp hắn suốt ngày ra rả:
- Ai lại cãi xếp. Xếp có sai thì hãy cố mà im lặng. Mày không biết câu tục ngữ này à? “Về nhà đừng cãi vợ, ra chợ đừng cãi công an, đến cơ qua đừng cãi thủ trưởng”. Hâm vừa vừa thôi nhà thông thái!
- Trời ạ! Mày là cán bộ phụ trách chuyên môn, ý kiến của mày rất quan trọng. Đồng ý như họ yêu cầu là có khối tiền, mất gì mà mày sợ. Lương tâm cái mẹ gì. Có học như mày mà hâm, phí thật!
Thôi thì hắn bị chỉ trích không biết bao nhiêu lần về những cái hâm của hắn. Ban đầu hắn bỏ ngoài tai tất cả. Dần dà, những cái giá quá đắt mà hắn phải trả cho cái hâm đã làm cho hắn có lúc cũng phải nghi hoặc về những hành vi của mình. Nhưng rốt cuộc mỗi lần như vậy hắn chẳng thể tìm ra được mình sai, mình không đúng chỗ nào trong những cái mà người đời gọi hắn là hâm. Thường làm sai điều gì thì người ta thường ân hận khi phải đối diện với chính lương tâm của mình. Mà hắn thì chưa bao giờ phải ân hận vì những cái mà người ta gọi là hâm của hắn. Hắn thường đem những suy tư của mình nói với Tâm. Lần nào nàng cũng cười buồn, ôm ghì đầu hắn vào ngực thì thào:
- Rõ ngốc! Em yêu cái hâm của anh vô cùng!
Nhưng không biết nên buồn hay nên vui cho hắn, chưa kịp giải mã cái hâm của mình thì hắn chết giữa cái tuổi 35. Người ta bảo cái chết của hắn cũng hâm. Hắn cứu một kẻ tự tử. Kẻ đó lao vào xe ô tô, hắn đẩy được y ra vệ đường còn hắn thì chỉ kịp nghe tiếng chửi của kẻ vừa được hắn cứu sống. Nghe nói kẻ định tự tử là một tay bất hảo, muốn kết thúc cuộc đời để trốn nợ trần ai.
          Đám tang của hắn rất dài. Nhiều người khóc hắn rất thực. Nhưng không biết họ thương hắn chết trẻ hay là thương hắn vì hâm mà không may mắn. Còn Tâm tiều tụy khóc hắn ai oán: Thiện ơi, anh chết thì còn ai sống với em trên cõi đời này?
Hạ, 1995

Chú thích:
(1) Những năm 80 thế kỷ trước, xe buýt rất dễ trốn vé. Đa số sinh viên thường trốn vé, gọi là đi nhờ.
(2) Trên các toa tàu đều ghi chữ ĐSVN, viết tắt của Đường sắt Việt Nam. Sinh viên bấy giờ thường đọc chệch thành Đời sinh viên nghèo để ngụy biện cho việc trốn vé.

(Truyện ngắn này đã đăng lần đầu trên Báo Tiền phong số 78 ngày 28/12/1995)

1 nhận xét: