Nhãn

Thứ Năm, 16 tháng 4, 2020

TRƯỜNG CA ĐÁNH CƯỚP


Tác giả “ Trường ca đánh cướp”  nổi tiếng truyền kỳ  qua các
thế hệ sinh viên Đại học Tổng hợp Hà Nội 


(Nội dung kể về câu chuyện ông bố đi thăm con và bạn ở Sài Gòn).

Tác giả: NGUYỄN QUỐC VIỆT
(Khoa Triết khóa 27, Đại học Tổng hợp Hà Nội) 

Ngày đêm bố ngóng con về
Bờ tre xào xạc chân đê sóng ào.
Bao giờ bố mới được vào
Thăm con để tắm mưa rào miền Nam.
Ơi người bạn ở phương Nam,
Ngày xưa đói khổ cùng làm cùng ăn.
Nhớ sao những đoạn thơ văn
Ngày xưa bạn viết trong căn nhà này.
Bây giờ tôi vẫn thấy hay
Nếu mà gặp bạn đọc ngay bài này.
"Đời xưa cho đến đời nay
Mấy người tài giỏi có may bao giờ"
Bây giờ bố lại làm thơ
Thương con nhớ bạn bao giờ cho nguôi.
Ơ kìa có một con ruồi
Bay vào lọ mực đầu đuôi dính đầy...
Bố vội vớ lấy cái cây
Thò vào lọ mực gẩy ngay ra bàn.
Dang tay với cái gạt tàn
Đập một cái chát xuống bàn con ơi.
Thương thay thân phận con Ruồi
Chỉ một cái "chát" đầu đuôi không còn.
Bây giờ bố lại nhớ con
Nhà nghèo bố cũng bòn tiền vào thăm
Cạp quần bố giắt mấy trăm
Lại thêm đoạn gậy dao găm đề phòng
Hôm nay đã chuẩn bị xong
Mẹ con đưa tiễn lưng còng ngóng trông
Đường xa nỗi nhớ mênh mông
Bố đi bỗng thấy trong lòng xôn xao
Chết rồi có trận mưa rào
Làng xa đường vắng biết vào nơi đâu?
Đột nhiên có tiếng " gâu gâu"
Ơ kìa! con chó ở đâu xông vào.
Thò tay bố rút con dao
Ngồi thụp xuống đất đâm vào ngang hông.
Con ơi con có biết không
Bằng một thế võ chó không còn đời.
Rất may tàu khách đây rồi 
Vội vàng chen tới bố ngồi toa trên
Lạ thay bố thấy mấy tên
Đang ở phía dưới đến bên bố ngồi
"Con ơi bố nhận ra rồi
Mấy thằng kẻ cướp nó ngồi cạnh đây"
Nhẹ nhàng bố rút cái cây
Để xuống gầm ghế lòng đầy tự tin
Xong xuôi bố ngoái lại nhìn
Ôi thôi "cái Bị" không tìm đâu ra

Áo quần cơm nắm tiêu ma
Đường xa bụng đói thân già sao đây?
Bực mình bố rút cái cây
Quát lên mấy tiếng "chúng mày trả tao"
Xung quanh có tiếng xì xào
Họ hỏi "ông mất khi nào biết không"?
Bấy giờ bố mới kịp trông
"Bị" để trên ghế mà không mất gì
Trong lòng bố bớt sinh nghi
"Hóa ra người tốt " mà ta nghi ngờ
Thế mà đã 4-5 giờ
Trong bụng đói quá bố chờ đến ga
Từ đây vào đấy còn xa
Con ơi có biết mà ra đón tầu
Thời gian chờ đợi quả lâu
Gió nhiều bố thấy trong đầu váng u
Tầu đi gió thổi vù vù
Bỗng nhiên bố nhớ lưng gù mẹ con
Ngày đêm con mắt mỏi mòn
Thương con nhớ bố hỏi còn vui chi?
Bây giờ tầu vẫn đang đi

Đến ga Đà Nẵng bố thì xuống ngay
Ba thằng kẻ cắp truyền tay
Đưa nhau "cái Bị" lao ngay xuống đường
Bố trèo lên cửa khẩn trương
Cuộn người một phát xuống đường con ơi
Phen này kẻ cắp đi đời
Nhanh chân bố đuổi không dời con dao
Rất may có cái hàng rào
Ba thằng dừng lại bố lao đến liền
Một thằng lực lưỡng như điên
Bố vừa xông đến nó liền đánh ngay
Lúc này bố mới ra tay
Gạt mạnh một cái đấm ngay vào hầu
Thằng kia liều mạng húc đầu
Bố liền hóp bụng tránh đầu đối phương
Một thằng còn lại bên đường
Cách xa 5 mét nó tương gạch vào
Bố vội trở cán con dao
Né người sang phải phi vào thái dương
Ba thằng nằm lại bên đường
Sợ công an đến tìm đường bố đi
Bạn đường gặp gỡ mấy khi

Có cô gái trẻ cùng đi toa này
Mới nhìn thấy cũng hay hay
Ngồi bên bố hỏi cô này đi đâu
Lúc sau cô gái ngẩng đầu
Dịu dàng thỏ thẻ nói câu ân tình
"Em đi chỉ có một mình
Em vào mãi tận Long Bình cơ anh"
Thoáng nghe hi vọng mong manh
Bố vờ cúi xuống liếc nhanh quanh mình
Xung quanh đồ đạc linh tinh
Mọi người ngủ cả còn mình có em
Trăng khuya gợi nỗi khát thèm
Bố ngồi xích lại bên em cho gần
Đồng thời bố khẽ chạm chân
Em ngồi yên lặng có phần xốn xang
Bố nghe hơi thở rõ ràng
Phập phồng ngực áo trông càng thêm xinh...
"Chuyện tình riêng của chúng mình

Đến đây là đến đây là là đây"
Thiu thiu bố ngủ mấy cây
Giật mình tỉnh dậy "Bị" bay mất rồi
"Con ơi đúng nó đúng rồi
Đúng đứa con gái vừa ngồi cạnh đây"
Bực mình bố rút cái cây
Miệng chửi lẩm bẩm"mầy mầy lừa tao"
Vô tình chạm phải cán dao
Bố như sực tỉnh đi vào trong toa
Đợi cho tầu đến sân ga
Mọi người chưa xuống bố ra đón đầu
Chẳng rằng chẳng nói một câu
Vừa trông thấy nó nhằm đầu đánh ngay
Con này cũng dạng cao tay
Gậy chưa kịp xuống nó bay đá liền....
( còn nữa ).
                                                  Mễ Trì 1983
Thái Văn Sinh chỉ nhớ được thế thôi. Anh Việt và các bạn cung cấp thêm cho đủ nhé)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét