Nhãn

Thứ Hai, 26 tháng 10, 2020

KHÁC

 


                    


Bạn tôi đam mê phong thủy

Suốt ngày

Thế đá, thế cây

Thế đất, thế nhà.

*

Tôi quan tâm thế sự

Thường nghĩ về thế nước, lòng dân

Nhân quả ở đời

Dâu bể, trầm luân.

*

Bạn tôi có nhiều đá quý

Những kiệt tác tuyệt đẹp 

Hàm chứa bao triết lý

Giá trị cả ngàn đô

Ai đến xem cũng thán phục, trầm trồ 

*

Còn tôi

Chỉ có ưu tư

Trằn trọc nỗi đời 

Về cái xấu lên ngôi

Về những cái đẹp mong manh, dễ vỡ

Người đời nhìn tôi

Tặc lưỡi cảm thương

Kẻ ăn rau muống

Lo chuyện chính trường!!!

 *

Đời vô thường

Giống hay Khác

Vô thường./.


T.V.S

26-10-2020

Thứ Hai, 5 tháng 10, 2020

NGỘ

Từ Hải - Tranh của họa sỹ Nguyễn Tuấn Sơn

                                                  THÁI VĂN SINH                  

Ta lên một chuyến đò đời

Đục trong  bao bến, phận người lênh đênh

Đò kia lên thác, xuống ghềnh

Sông kia khúc thẳng, khúc quanh, khó lường


Thôi đành góp nhặt yêu thương


Gói vào một kiếp đoạn trường mà đi./.


                                        Hà Nội 3/10/2020

Chủ Nhật, 4 tháng 10, 2020

ĐỪNG TRÁCH

 



Gửi T


Thôi, đừng trách

Ngọn gió xuân tình thổi bạt lời ai

Một thoáng chông chênh

Bước đời mê mải

Em lặng thầm trong tôi xa ngái

Trời vẫn lấp lánh sao

Đất vẫn trỗi những mần khát khao 

Tôi thao thiết từ em ngọt ngào,

Nhớ mong khờ dại


Thôi, đừng trách

Em trong tôi 

Như một tiếng thở dài

Khắc khoải 

Hằng đêm./.


Hà Thành 3/10/2020

TVS




Chủ Nhật, 7 tháng 6, 2020

HÀ NỘI VÀO ĐÔNG


LTS: Những ngày nắng nóng này xin đăng bài thơ để mong hạ nhiệt. Bài thơ này ghi nhớ một kỷ niệm khó quên của tôi và bạn Nguyễn Kim Hiền khi đi Nô En ở nhà thờ Hàm Long, qua một ngõ phố giờ không thể nhớ tên, gặp một hoàn cảnh rất thương tâm, một bà mẹ trên 70 tuổi bị đứa con trai đuổi ra nằm ngoài vỉa hè trước nhà dù trời rét đến thấu xương. Hiền và tôi đã can thiệp, có ý kiến và suýt nữa thì hai thằng bị đánh tơi bời. Còn nhớ nhà ấy ghi phía ngoài dòng chữ: Bán đạn súng hơi. Ngày Chúa sinh gặp cảnh thất đức đó làm cả bọn buồn mãi. Những tâm hồn trẻ dại chúng tôi bị tổn thương ghê gớm. Đêm ấy tôi tự nhiên viết những dòng này.

                             THÁI VĂN SINH

                                       Gửi Nguyễn Kim Hiền

Hà Nội vào Đông
Những đôi má ửng hồng
Áo muôn màu rực rỡ
Có ai từng nhắc nhở
Đừng để mùa Đông lãnh lẽo mắt người
*
Hà Nội vào Đông
Hoa sáng nay
Trên tay người mang ngọn lửa
Ấm một niềm vui ai đó nhận quà
Có ai từng nhắc nhở
Đừng để mùa Đông lãnh lẽo lòng người
*
Hà Nội vào Đông
Những ngôi nhà mới xây
Mang trong mình bao ấm cúng, sum vầy
Mong người đến ở
Có ai từng nhắc nhở
Đừng để mùa Đông lãnh lẽo mắt người
Đừng để mùa Đông lãnh lẽo lòng người./.

                                         Mễ Trì, Nô En 1984
                                                     TVS

Thứ Ba, 19 tháng 5, 2020

TRĂNG

                 
           

                           THÁI VĂN SINH

                            Gửi N

Dịu dàng là trăng
Dẫu đêm rằm sáng quắc.

Mơ màng là trăng
Giăng mắc tình duyên vạn lối.

Cô đơn là trăng
Giữa mông lung trời đêm trần thế.

Vẹn toàn – Hao khuyết là trăng
Mới hiểu cuộc đời dâu bể.

Thao thức suốt đời là trăng
Khung trời anh vằng vặc hình em.
                                            TVS
1998


Thứ Ba, 28 tháng 4, 2020

BẮT ĐẦU TỪ ĐÓ




                                THÁI VĂN SINH

                                        Gửi M

Bắt đầu từ đó em ơi
Hồn anh có một mặt trời là em
Ngỡ ngàng bao cái thân quen
Thẹn thùng giây phút đầu tiên trong đời
Anh như thuyền giữa xa khơi
Khẽ khàng con sóng cũng chơi vơi lòng
Như em là một dòng sông
Cho anh muôn suối nhập dòng về em
Bao điều thao thức ngày đêm
Cũng về em, cũng vì em thôi mà
Ôi kỳ lạ quá ngày qua
Có đâu giây phút nay là của anh
Bao điều cứ đến ngọt lành
Hay là em gửi cho anh bao điều?

                                           Mễ Trì, 10 - 1983
                                                  TVS



Chủ Nhật, 26 tháng 4, 2020

NỖI BUỒN



                                      THÁI VĂN SINH

                        Buồn ơi! Xa vắng, mênh mông là buồn...*

Có một nỗi buồn từ vạn thuở
Thấm vào tháng năm như vết úa khó phai
Nhức nhối cõi lòng buốt giá
Nỗi cô đơn định mệnh chẳng riêng ai.

Tình yêu lãnh quên trong bụi bặm đời thường
Hãnh phúc lãng quên trong tiền bạc
Nỗi đau lãng quên trong đổi chác
Chỉ nỗi buồn sống dai.


Tôi mơ vàng son ngày mai
Chiếc vé số cuộc đời thấp thỏm
Trắng tay rồi bao lần lời lãi
Thế mà vẫn cứ thiêu thân.


Đêm.
Nằm nghe đơn côi lên tiếng
Hãy im đi, ta biết nỗi buồn rồi!
Sáng.
Bừng mắt lại lao vào sống
Những niềm vui khờ dại lại bắt đầu./.

Mễ Trì, 3/1983
TVS

--------------------------------------------
* Thế Lữ, Tiếng sáo Thiên Thai



Thứ Hai, 20 tháng 4, 2020

VỚI NHÀ VĂN ISABELLE MULLER CHUYỆN BÂY GIỜ MỚI KỂ

Mời các bạn bấm vào 2 đường link sau để xem phim


Isabelle Muller tặng sách Loan - từ cuộc đời
 của một con chim Phượng Hoàng”



THÁI VĂN SINH

         Isabelle Muller là nhà văn Pháp/Đức có quê ngoại ở Thạch Đài, thành phố Hà Tĩnh. Bà là tác giả của cuốn sách “Loan - từ cuộc đời của một con chim Phượng Hoàng” viết về cuộc đời truân chuyên của mẹ Đậu Thị Cúc, là một trong 5 quyển sách hay ở Đức năm 2015. Bà đã dùng nhuận bút quyển sách này thành lập quỹ “Loan”, và vừa qua bà đã triển khai 12 chương trình, dự án với tổng số tiền viện trợ cho học sinh dân tộc ở Hà Giang là 6,8 tỷ đồng. Cuối tháng 10/2019, bà đã về thăm Hà Tĩnh và tổ chức giới thiệu phim “Loan - Phượng Hoàng tái sinh” và sách “Loan- từ cuộc đời của một con chim phượng hoàng” rất thành công. Tôi xin kể với các bạn một số chuyện về việc đã tham gia tổ chức sự kiện nói trên.

Ngày 07 tháng 10 năm 2019, tôi được giao nhiệm vụ chuẩn bị kế hoạch và phương án hỗ trợ nhà văn Isabelle Muller tổ chức các hoạt động, sự kiện tại Hà Tĩnh theo công văn 6637/UBND-KT1 của UBND tỉnh. Lần đầu thực hiện một nhiệm vụ mang tính đối ngoại, nhạy cảm và hầu như không có thông tin cụ thể, chính thức về nhà văn, ngoài mấy thông tin sơ sài của Công ty TNHH Khu công nghiệp Việt Đức (GVIP) cung cấp, đại ý: Isabelle Muller có gốc gác là người Hà Tĩnh, là tác giả của cuốn sách “Loan - từ cuộc đời của một con chim Phượng Hoàng” đã được dịch và tái bản ở Việt Nam lần thứ 3. Bà sẽ đến Hà Tĩnh trong 2 ngày: 24 và 25 tháng Mười để giới thiệu cuốn sách Loan-từ cuộc đời của một con chim Phượng Hoàng” và bộ phim “Loan - theo dấu chân bà mẹ Việt” và đi làm từ thiện cho các học sinh nghèo người dân tộc.
Để tiếp đón và tổ chức các sự kiện cho một đoàn khách có yếu tố nước ngoài rõ ràng những thông tin sơ sài như vậy quả là thách đố. Người thì còn ở Đức, sách thì không có, phim cũng không luôn. Đúng lúc này lại có vụ việc Hội đồng thẩm định phim quốc gia sai sót về việc duyệt phim “Everest - Người tuyết bé nhỏ” có đường lưỡi bò, ồn ã trên báo chí và mạng xã hội. Thế là lãnh đạo chỉ đạo: sách phải là bản gốc, phim phải có giấy phép mới được chiếu, sai sót trách nhiệm nặng lắm đấy, anh không gánh được đâu. Đúng là hết khổ. Sách thì Nhà xuất bản Trẻ tái bản lần thứ 3 rồi, còn phim là tác phẩm báo chí phát trên VTV 9 Đài tuyền hình Thành phố Hồ Chí Minh thì làm sao mà có giấy phép được. Quý IV, việc ngập đầu, phòng lại chỉ còn duy nhất một mình tôi (02 cán bộ nghỉ hưu chưa tuyển kịp, một nữa nghỉ sinh), rõ là nhức cả đầu. Nhưng chẳng lẽ lại làm văn bản xin không tổ chức sự kiện này nữa. Làm thế ảnh hưởng đến quan hệ đối ngoại. Đúng là “làm thì khó mà bỏ không xong”. Liên lạc tìm hiểu thêm với GVIP – đơn vị đề xuất triển khai sự kiện này thì tiếp tục được cung cấp thông tin rằng Isabelle Muller quê ở Hương Khê và nếu muốn biết thêm chi tiết thì phải liên lạc với các cộng sự của bà Isabelle Muller ở Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Giang. Điều làm tôi vất vả và cười ra nước mắt chính là những thông tin mà GVIP cung cấp vì không những sơ sài mà còn thiếu chính xác. Sau này mới vỡ ra là tên của bộ phim không phải là “Loan - theo dấu chân bà mẹ Việt” mà là “Loan - phượng hoàng tái sinh” và Isabelle Muller không phải quê ở Hương Khê mà ở ngay Thạch Đài, thành phố Hà Tĩnh. Thế là phải thay đổi ma-két sự kiện, phải điều chỉnh cả chương trình làm việc.


Isabelle Muller với nhóm tổ chức sự kiện. 

Lại lọ mọ tìm cách liên lạc với nhà văn Trầm Hương, đạo diễn Nguyễn Hoàng ở Thành phố Hồ Chí Minh, với phiên dịch Bùi Thị Thu Hương ở Hà Giang để biết những thông tin cơ bản như: Thành phần và số lượng thành viên của đoàn; Lịch trình dự kiến khi đến Hà Tĩnh; Bố trí ăn nghỉ ra sao, quà tặng thế nào; Cách thức tổ chức giới thiệu sách và phim …vv và vv. Nghĩa là tất cả những thông tin “bếp núc” để tổ chức sự kiện. Rất may là thời đại 4.0 nên chỉ cần điện thoại và gửi e-mail trao đổi qua lại mà chỉ trong mấy ngày tôi cũng lấp đầy được những thông tin còn thiếu để xây dựng một kế hoạch và chương trình chi tiết trình UBND tỉnh duyệt cho triển khai.
Tuy nhiên chỉ một ngày trước sự kiện, khi mọi chuyện gần như đã rất ổn (trừ cái giấy phép của bộ phim sẽ trình chiếu là chưa có), thì lại nhận được một thông tin đột xuất: Bà Trương Mỹ Hoa, nguyên Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Phó Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam,  Phó Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt NamĐại sứ Nguyễn Hữu Tráng, nguyên tham tán Thương mại tại Cộng hòa Liên Bang Đức sẽ vào dự buổi giới thiệu sách. Thế là lại xáo trộn cả chương trình, lại phải xin ý kiến và chỉnh sửa hàng loạt nội dung liên quan việc tiếp đón, bố trí phát biểu của hai nhân vật quan trọng này.


Isabelle Muller với người thân trong gia đình. Ảnh TVS

Ơn trời, vất vả nhưng rồi mọi chuyện cũng qua. Chiều 24/10, ngay những giây phút đầu tiên gặp nhau, Isabelle Muller đã rất thiện cảm khi biết tôi cùng tuổi và lại là một nhà báo. Lần đầu tiên gặp nhau nhưng tôi cùng Isabelle Muller và 5 cộng sự của bà cởi mở như đã quen biết từ lâu. Chúng tôi cùng về nhà người thân của Isabelle Muller, chứng kiến những giọt nước mắt đoàn tụ của họ, chứng kiến Isabelle Muller thành kính thắp hương làm lễ báo cáo tổ tiên trong khu mộ gia tộc của bà ở Thạch Đài. Tối hôm ấy trong tiệc chiêu đãi của tỉnh với đoàn, tôi mời nhà văn Đức Ban, nhà văn Phan Trung Hiếu, nhà văn Trần Quỳnh Nga ngồi cạnh Isabelle Muller. Isabelle Muller đã rất cảm kích khi được trò chuyện với những người cùng giới văn chương. Đi cả một quãng đường dài liên tục từ Đức về Hà Nội rồi từ Hà Nội về Hà Tĩnh nhưng có lẽ tình quê hương đã làm Isabelle Muller quên cả mệt mỏi trò chuyện đến khuya. Chúng tôi nói đủ chuyện, từ văn chương, nghệ thuật cho đến chương trình ngày mai. Tuy nhiên, trước khi kết thúc buổi giao lưu, một tình huống “trái chèo” xuất hiện: một số người dự tiệc cho rằng sáng mai đi tặng quà ở Hương Khê sẽ không về kịp để tổ chức lễ ra mắt sách và phim vào buổi chiều. Đúng là trái khoáy. Lịch đã lên đúng từng phút và đã được duyệt, các nơi nhận quà cũng đã được thông báo chuẩn bị, nếu nghe theo những ý kiến này thì xem như “cháy vở”. Rất khó giữ bình tĩnh nhưng tôi cũng chứng minh được rằng lịch trình của tôi đã tính toán rất kỹ vì tôi đã nhiều lần đến bản Rào Tre dân tộc Chứt ở Hương Liên. Riêng năm này tôi đã có 3 lần lên bản và lần gần nhất chỉ cách thời điểm này 4 tuần và đã ở đó gần một tuần để khảo cứu dân tộc học cùng Tiến sỹ Vi Văn An. Tôi sẵn sàng chịu trách nhiệm nếu như không thực hiện đúng lịch trình mà tôi đã xây dựng. Thực sự mà nói những người này băn khoăn là đúng vì họ không có thực tiễn, đa phần chỉ nghe nói chứ chưa đến đó bao giờ. Tuy nhiên họ cứ phán như thật. Điều này chúng ta vẫn thường thấy trong khá nhiều chuyện hằng ngày. May mà tôi kiên quyết để bảo vệ hành trình không thì Isabelle Muller và đoàn sẽ không có được chuyến đi ý nghĩa, thú vị và đầy cảm xúc vào sáng hôm sau.


Isabelle Muller  với học sinh trường THCS Hương Liên. Ảnh TVS

7 giờ sáng ngày 25/10, đoàn xuất phát đi Hương Khê để trao quà cho các học sinh dân tộc trong thời tiết mưa tầm tã. Tuy nhiên cả đoàn đi với tâm trạng rất vui vẻ. Tôi giới thiệu cho Isabelle Muller về những điểm mà đoàn sẽ đến trao quà và dân tộc Chứt ở bản Rào Tre. Tôi cũng giới thiệu thêm rằng ở Hương Vĩnh, Hương Khê còn có Bản Giàng, người dân tộc Lào di cư sang. Nghe đến đây Isabelle Muller liền hào hứng nói rằng bà ngoại của cô ấy là người Lào lấy ông ngoại là người Mọi ở Hà Tĩnh. Mẹ bà kể rằng ông ngoại thường đi sang Lào săn bắn để nuôi gia đình. Ông ngoại cả đời chỉ đóng khố, chỉ khi nào có lễ lạt mới đem bộ quân phục hồi đi lính cho Pháp ra mặc. Mẹ của Isabelle Muller đã sinh trên đường ông bà ngoại mang vật phẩm săn bắn được đi Hải Phòng bán... Isabelle Muller say sưa kể, mắt nhìn ra núi đồi găng mắc xa xa như tìm kiếm quá khứ qua lời kể ngày xưa của mẹ.



Isabelle Muller  với học sinh dân tộc Chứt. Ảnh TVS

8 giờ đoàn đến Trường THCS và PTTH dân tộc nội trú Hà Tĩnh tại thị trấn Hương Khê. Thầy cô và học sinh đã tập trung đông đủ, họ hiếu kỳ gặp một nhà văn người Pháp, có mẹ người Hà Tĩnh hơn là nhận các phần quà. Không nghi thức rườm rà, Isabelle Muller phát biểu và trao 15 suất quà cho các học sinh ở đây rồi giao lưu chụp ảnh, chuyện trò rất tự nhiên với học sinh và thầy cô giáo. Gần 9 giờ, chúng tôi tiếp tục hành trình đến Trường tiểu học xã Hương Liên. Đến nơi, Isabelle Muller được chứng kiến một cảnh tượng làm cô rất xúc động, học sinh xếp hàng kín sân trường chào đón với cờ hoa long trọng. Phát biểu mấy lời ngắn gọn và trao 21 suất quà cho các em học sinh người Chứt xong Isabelle Muller ào vào giữa hàng trăm học sinh chụp ảnh với các em. Đạo diễn Nguyễn Hoàng và nhiếp ảnh gia Corinna Buchholz rất vất vả mới hoàn thành nhiệm vụ tác nghiệp. 10 giờ đoàn mới dứt được giao lưu ở đây để đến Trường mầm non Hương Liên điểm trường Bản Rào Tre. Có lẽ đây là điểm Isabelle Muller ưu ái nhất vì sau khi trao 15 suất quà, cô đã giành gần một giờ để giao lưu, chụp ảnh với các cháu bé. Chia tay với Trường mầm non, tôi không quên đưa đoàn đến ngắm đầu nguồn Sông Ngàn Sâu. Nơi đây sông núi tuyệt đẹp. Anh Nguyễn Hoàng, đạo diễn bộ phim “Mê Công ký sự” nổi tiếng và nhà văn, nhà biên kịch Trầm Hương, tác giả kịch bản phim “Người đẹp Tây đô” cứ trầm trồ tấm tắc. Cả đoàn mải miết chụp ảnh phải nhắc mới dứt được cảm hứng để ra về. Trên đường về, tôi nhận được điện thoại của Phó Chủ tịch tỉnh Dương Tất Thắng hỏi về việc đoàn có hài lòng với sự tiếp đón của tỉnh và chuyến đi sáng nay không. Tôi nhờ cô phiên dịch hỏi Isabelle Muller, cô quay về phía tôi nở một nụ cời rạng rỡ: “Wonderful” (Tuyệt vời). 11 giờ 30 đoàn ghé Khách sạn Đức Tài ăn trưa. Một bữa tiệc thịnh soạn dọn ra với nhiều đặc sản được chế biến kỳ công, tuy nhiên mọi người vẫn chưa dứt được mạch cảm xúc với các các trải nghiệm vừa qua nên ít quan tam đến chuyện ăn uống mà chỉ tập trung trò chuyện. Thực sự nếu không lường trước, bữa trưa của chúng tôi có thể sẽ vỡ kế hoạch vì có rất nhiều người mến mộ, muốn tham dự để giao lưu với Isabelle Muller. 12h33, chúng tôi về đến Khách sạn Ngân Hà, chỉ muộn đúng 3 phút theo lịch trình. Tất cả thành viên của đoàn bấy giờ mới thấy rằng những lời cam đoan của tôi tối hôm qua là rất chính xác.


Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa phát biểu tại buổi giao lưu. Ảnh TVS

14giờ 30, tôi dẫn Isabelle Muller vào Trung tâm Văn hóa Điện ảnh tỉnh, khán phòng sang trọng, có ma - két sự kiện rất đẹp và gần như kín chỗ với khoảng trên 600 người. Đặc biệt là Nguyên Phó Chủ tịch nước Trưng Mỹ Hoa và Đại sứ Nguyễn Hữu Tráng và các đồng chí lãnh đạo tỉnh, các sở, ban ngành đã có mặt từ rất sớm. Isabelle Muller và các cộng sự rất hài lòng vì ban đầu họ chỉ đặt vấn đề rất khiêm tốn là sự kiện diễn ra ở rạp hát và chỉ cần khoảng 150 khán giả là được. Buổi giới thiệu phim “Loan – Phượng Hoàng tái sinh” và sách “Loan- từ cuộc đời của một con chim phượng hoàng” dã diễn ra trong một không khí đầm ấm, thân thiện, cởi mở. Khi phim được trình chiếu, nó thực sự cuốn hút tất cả mọi người từ đầu đến cuối. Rất nhiều biểu cảm tốt đẹp của khán giả dành cho bộ phim. Isabelle Muller cảm nhận được điều đó và thể hiện rằng cô rất hạnh phúc. Thực sự là đến lúc này tôi mới thở phào nhẹ nhõm vì bộ phim vẫn chưa có giấy phép như lãnh đạo yêu cầu, đạo diễn Nguyễn Hoàng chỉ gửi cho tôi một cái giấy giới thiệu của Đài truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh. Tôi đã dấu lãnh đạo chi tiết này vì tin ở những cảm nhận của mình khi xem trước bộ phim. Phần giới thiệu sách cũng diễn ra sôi nổi, ấn tượng với tự sự của bà Trương Mỹ Hoa, của Isabelle Muller, nhà văn Trầm Hương, đạo diễn Nguyễn Hoàng và gần chục vấn đáp với các độc giả trong khán phòng. Gần 17 giờ, khi đứng trên bục tuyên bố buổi giao lưu kết thúc, tôi như trút được một gánh nặng đặt trên vai từ gần một tháng nay.
9 giờ ngày 26/10, tôi tiễn Isabelle Muller và các cộng sự về Hà Nội. Cô ôm tôi rất chặt (tôi hơi ngượng và không quen với cách biểu lộ tình cảm này), và nói: “Thank you so much for your help” (Cảm ơn nhiều vì đã giúp đỡ). Về nhà đọc lời đề tặng của  Isabelle Muller trong cuốn “Loan- từ cuộc đời của một con chim phượng hoàng” tặng tôi: "Education does not come from what you read but comes from what you think of what you have read" (Tạm dịch: “Giáo dục không đến từ những gì bạn đọc mà đến từ những gì bạn suy nghĩ về những gì bạn đã đọc", ) tôi thấy Isabelle Muller thật là sâu sắc./.
Hà Tĩnh 29/10/2019
T.V.S


Chủ Nhật, 19 tháng 4, 2020

PHÙ SA

Lớp 12 chuyên Văn cấp III Phan Bội Châu khóa 1979 - 1982 (*)

                   












                                  
                                   THÁI VĂN SINH

Dòng sông chảy mãi
Để lại phù sa
Hồng thêm đất bãi
Xanh màu bao la.

Cuộc đời sẽ qua
Những gì ở lại
Sẽ là phù sa
Đọng vào năm tháng.

                     Vinh, 1981
                         TVS



Đây là bài thơ của tôi được Giải Nhất trong cuộc thi trên Báo tường của Trường cấp III Năng khiếu Phan Bội Châu – Nghệ Tĩnh năm 1981. Tiếc là gần 40 năm, tôi đã quên mất 2 khổ, không tài nào nhớ được. Tất nhiên nó còn may mắn hơn rất nhiều những gì tôi đã viết vì cất ở quê đã bị mối ăn sạch mà tôi chẳng thể nhớ lại được. Mong các bạn Trường Phan khóa từ 1981 đến 1986 ai thuộc hoặc có sổ chép tay còn giữ gửi cho tôi bổ sung cho đầy đủ. Cảm ơn.
* Trong ảnh: Từ 31 học sinh năm lớp 10 đến năm lớp 12 còn 22 học sinh trong ảnh, bên phải sang:
Hàng đầu: Nguyễn Thị  An; Phạm Thị Huệ; Nguyễn Thị Ngân; Lê Thị Kim Dung; Nguyễn Thị Hà; Lê Thị Hải Đương;
Hàng thứ  hai: Trần Văn Dũng  và các thầy: Trần Hữu Dinh;  Đinh Văn Thông; Phan Huy Tuấn; Lê Thái Phong; Lê Đức Kiêm  bạn Bùi Thị Minh Huệ
Hàng thứ  ba: Chu Vĩnh Hải; Võ Hồng Hải; Trần Anh Chiến; Thái Văn Sinh; Nguyễn Thị Huệ; Nguyễn Thị Oanh;
Hàng thứ  tư: Nguyễn Huy Tiến; Phạm Văn Lợi; Trịnh Văn Hạnh; Hồ Phi Cường; Nguyễn Đình Trung; Nguyễn Thanh Bình; Phanh Huy Hồng; Nguyễn Thị Hảo.