Nhãn

Thứ Bảy, 18 tháng 4, 2020

XUÂN DIỆU MÀ TÔI TỪNG BIẾT




THÁI VĂN SINH

Có thể nói đã là người Việt Nam yêu thơ thì hầu như ai cũng biết thơ Xuân Diệu, ít ra cũng dăm bảy câu thơ tình. Tôi biết Xuân Diệu và mê thơ ông khi còn là một cậu học sinh lớp 8 qua cuốn “Thi Nhân Việt Nam” của một người bạn thân cho mượn. Vào thập niên 70 của thế kỷ trước, những tác phẩm văn chương tiền chiến ở miền Bắc gần như không có, nhất là ở các tỉnh lẻ. Phải sau “giải phóng”, ở miền Bắc mới có được những tác phẩm văn chương tiền chiến do những người yêu thơ văn mang từ miền Nam ra. Tôi không nhớ rõ nhà xuất bản nào ở Sài Gòn đã in cuốn “Thi Nhân Việt Nam” mà tôi lần đầu được đọc ấy nhưng nhớ rất rõ đó là một cuốn sách được in ty – pô trên một thứ giấy màu vàng dày, quăn queo, sờn góc vì có quá nhiều người đọc. Và tôi cũng chỉ có vỏn vẹn một ngày được quyền sử dụng cuốn sách này. Tôi đã đi vào thế gới thơ mới một cách mộng mỵ với “thơ say” của Vũ Hoàng Chương, “thơ điên” của Hàn Mặc Tử và đặc biệt là thơ tình của Xuân Diệu từ cuốn sách ấy. Có gì tuyệt vời hơn đối với tuổi học trò, tuổi mới lớn, mới biết yêu mà lại gặp được thơ tình Xuân Diệu:

“…Yêu là chết ở trong lòng một ít
Vì mấy khi yêu mà chắc được yêu…”
(Yêu)

 Thời bấy giờ hầu hiết những người mê văn thơ đều có những cuốn sổ thơ chép tay. Tôi đã trốn học và chép hầu hết thơ tình từ cuốn “Thi Nhân Việt Nam” và riêng với Xuân Diệu, tôi chép không sót một bài. Kỳ lạ là thơ Xuân Diệu đã ngấm vào tôi những cảm xúc mà cho đến nay đã 35 năm trôi qua, nhưng thi thoảng, tôi lại gặp những tinh tế của thơ ông ngay giữa cuộc đời trụi trần, gió bụi. Những giây phút hiếm hoi đó thật là thanh khiết, quý giá:

“…Bâng khuâng chân tiếc giẫm lên vàng,
     Tôi sợ đường trăng tiếng dậy vang…”
(Trăng)

Có một điều mà nhiều bạn trẻ hôm nay không biết là trước năm 1980, Xuân Diệu và các nhà thơ lãng mạn Việt Nam cũng như thơ của các ông không được đưa vào giảng dạy ở bậc học phổ thông. Sau 1980, một số nhà thơ và các sáng tác của họ mới có chỗ đứng trong chương trình và sách giáo khoa phổ thông. Và với Xuân Diệu, lúc này cũng chỉ có duy nhất bài thơ "Ngói mới" được đưa vào giảng 1 tiết ở lớp 12. Chỉ từ thập kỷ 90 của thế kỷ trước lại nay, học sinh mới được học nhiều hơn về Xuân Diệu, học tới 5 tiết ở lớp 11, trong 5 tiết đó có bài văn học sử về tác gia Xuân Diệu 2 tiết, giảng văn ba bài thơ của ông là các bài "Thơ duyên", "Đây mùa thu tới" và bài "Vội vàng" mỗi bài 1 tiết. Chính vì vậy, mặc dù biết thơ Xuân Diệu lần đầu qua “Thi Nhân Việt Nam” là vào năm lớp 8, nhưng phải đến năm lớp 12 tôi mới biết về ông qua một câu chuyện có thật mà nghe như giai thoại do thầy giáo Lê Thái Phong(1) kể trong giờ giảng bài “Ngói mới”. Thầy tôi kể rằng năm 1972, khi đang dạy ở cấp III Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh một hôm thầy được Phòng Văn hóa huyện mời nghe Xuân Diệu đọc thơ nhân chuyến về thăm quê nội. Biết Xuân Diệu về đọc thơ, đêm ấy người đến rất đông, chật cứng cả hội trường. Thời chiến tranh, điện chưa có, chỉ có cái đèn măng - sông nên nhiều người vì hiều kỳ, ồn ào chen lấn để nhìn cho rõ “dung nhan Xuân Diệu”. Quá bực mình khi nghĩ người ta đến “xem mặt” Xuân Diệu chứ không phải là “nghe thơ Xuân Diệu” ông đã nhảy lên đứng trên chiếc bàn chủ tọa, tay cầm cái đèn măng - sông soi vào mặt mình và nói lớn: “Cái mặt Xuân Diệu đây, ai thích nhìn Xuân Diệu thì nhìn cho kỹ rồi về, ai thích nghe thơ Xuân Diệu thì ở lại”. Cả hội trường sau đó im phăng phắc say mê nghe thơ Xuân Diệu. Chuyện này cho tôi biết một điều, tôn trọng, ngưỡng mộ một nhà thơ, là tôn trọng, ngưỡng mộ tác phẩm của họ chứ không phải là chính họ, nhất là cái diện mạo bên ngoài.
Mê Xuân Diệu nhưng phải đến tháng 10 năm 1982 tôi mới có dịp diện kiến ông, lúc đó, tôi mới vào năm thứ nhất Đại học Tổng hợp Hà Nội. Hôm đó Khoa Ngữ Văn mời nhà thơ nói chuyện thơ cho sinh viên năm thứ nhất tại giảng đường trước nhà C1, Ký túc xá Mễ Trì. Dù không học ở Khoa Ngữ Văn, nhưng tôi đã bỏ cả buổi học để tìm cách vào cho được giảng đường này để nghe Xuân Diệu nói chuyện thơ. Nhìn thấy nhà thơ lần đầu, tôi như người bị hút hồn, một khuôn mặt đẹp, mắt sáng, tóc bồng bềnh, một chất giọng truyền cảm. Tôi say mê nghe ông đọc thơ tình của ông. Tuy nhiên có một điều mà đến bây giờ tôi vẫn không thể lý giải được là tại sao trong buổi nói chuyện say sưa về thơ tình như vậy, mà một nhà thơ lớn như Xuân Diệu bỗng nói rất to một câu lạc lõng: “Các bạn sinh viên ơi, hãy yêu nhau đi nhưng đừng có đẻ!”. Phải chăng cái thời “thống đốc đi đặt vòng” thì nhà thơ cũng phải “đặt vòng” cho thơ?
Sau lần ấy, tôi vẫn thường ngẩn ngơ qua lại 24 Cột Cờ để mong gặp ông mà chẳng có cơ hội nào. Anh Trần Đình Hà học khóa trên bảo tôi, muốn gặp Xuân Diệu thì ra quán thịt chó vì ông rất mê thịt chó và kể cho tôi một câu chuyện rất khôi hài về ông. Chuyện là một lần Xuân Diệu đi chợ Hàng Da mua thịt chó thì gặp bà hàng rau đang cãi nhau ầm ĩ với cô mậu dịch thu vé chợ. Thời bao cấp, cán bộ mậu dịch rất hách dịch, thấy tội cho bà hàng rau bằng tuổi mẹ mình nhưng vẫn cứ bị cô mậu dịch chửi bới té tát, Xuân Diệu tay xách bịch thịt chó, dẹp đám đông vào can ngăn. Ông  quát cô mậu dịch: “Người ta bằng tuổi mẹ cô mà cô quá đáng thế”. Cô mậu dịch liếc thấy ông với bịch thịt chó thì tưởng ông là dân nghiện rượu nên không chấp, nói ông là ai mà dám vào đây can thiệp. Bấy giờ Xuân Diệu nổi khùng lên, vứt bịch thịt chó xuống đất, quát: “Tôi là nhà thơ Xuân Diệu đây, cô không biết à”. Cô mậu dịch nguýt xéo Xuân Diệu với giọng đanh đá: "Nhà thơ là cái thá gì, nhà báo tôi chẳng sợ nữa là nhà thơ. Ông biến đi cho tôi nhờ!”. Nghe nói lúc đó Xuân Diệu khựng lại, chết đứng như Từ Hải, rồi sau đó gầm lên chửi độc, lao vào cô mậu dịch định đánh. May mà mọi người can ngăn nên không xảy ra xô xát. Cái lạ là dù tức dận hầm hầm bỏ đi nhưng ông vẫn không quên nhặt bịch thịt chó. Giai thoại này thực hư thế nào không rõ nhưng nó cho ta thấy Xuân Diệu mê thịt chó đến mức nào. 
Cơ duyên chỉ cho tôi nhìn thấy Xuân Diệu vài ba lần sau đó ở các cuộc nói chuyện thơ ở Hà Nội nhưng chưa một lần được nói chuyện trực tiếp với ông. Thế rồi đến nửa kỳ 1 năm thứ 4 đại học, vào ngày 18 tháng 12 năm 1985, một ngày đông buốt giá, chúng tôi được tin ông mất. Tuy vậy phải chờ đến 4 ngày đám tang của ông mới được cử hành vì hai lý do. Lý do thứ nhất là phải chờ người bạn thơ chí cốt là nhà thơ Huy Cận lúc đó đang đi công tác ở Châu Phi về; Lý do thứ hai là phải xem mộ nhà thơ sẽ được chôn cất ở đâu Văn Điển hay Mai Dịch. Vậy nhưng rồi Huy Cận cũng không về kịp tang bạn. Và rồi phần mộ ông cũng được mai táng tại ngĩa trang Mai Dịch. Trời lạnh buốt giá thấu xương nhưng đám tang nhà thơ đông chưa từng có, đủ các thành phần xã hội từ bà hàng nước cho đến các học giả đáng kính và nhiều nhất là đám học sinh, sinh viên chúng tôi. Gần như hầu hết sinh viên ở Ký túc xá Mễ Trì đều đi đưa tiễn ông. Xe tang ông chất đầy hoa trắng tiến dọc phố Trần Hưng Đạo, sau xe, đi cạnh quan tài có một thiếu phụ chít khăn trắng theo kiểu để tang chồng. Tôi hỏi một anh khóa trên cùng đi rằng Xuân Diệu không có vợ sao lại có thiếu phụ như vợ đi đưa tang chồng. Anh ấy trả lời, đó là nữ đạo diễn Bạch Diệp, vợ cũ của Xuân Diệu. Mãi sau này vào tháng 8 năm 2013, khi nữ đạo diễn Bạch Diệp mất tôi mới biết thêm nhiều điều qua báo chí về mối tình đau khổ của hai người.
Trên 30 năm "Ông hoàng thi ca" của Thơ Mới, "Vua thơ tình" Xuân Diệu đã ra đi nhưng cái “ngai thơ”của ông vẫn mãi ngự trị trong lòng người yêu thơ, trong đó có tôi - một người có cái may mắn được vài ba lần diện kiến ông từ xa./.

Viết nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh Xuân Diệu.
Hà Tĩnh, 28/12/2015
T.V.S

 (1) Nhà giáo Ưu tú, dạy chuyên văn Trường cấp III Năng khiếu Phan Bội Châu – tỉnh Nghệ Tĩnh.






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét